Thông tư 138/2011/TT-BTC: Hướng dẫn sửa đổi Chế độ kế toán Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

0

Thông tư 138/2011/TT-BTC ngày 4 tháng 10 năm 2011 của Bộ Tài Chính Hướng dẫn sửa đổi Chế độ kế toán Doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hàn kèm theo Quyết định 48/2006/QĐ-BTC ngày 14/9/2006 của Bộ Trưởng Bộ Tài Chính


- Căn cứ Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17/06/2003;
- Căn cứ Nghị định số 129/2004/NĐ-CP ngày 31/05/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán trong hoạt động kinh doanh;
- Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
- Căn cứ Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Căn cứ Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 8/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng;
- Căn cứ Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp;

Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán Doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành kèm theo Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC ngày 14/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính như sau:

Kỷ niệm đời kiểm toán viên (Phần 3.hết)

0

Tác giả: Ông Bùi Văn Mai - Phó Chủ tịch TT kiêm TTK VACPA

18.    TỘI TỪ CÁI MÁY VI TÍNH

Từ những năm làm giám đốc công ty kiểm toán cho đến nay tôi vẫn giữ một thói quen là chỉ dùng một loại bút mực xanh. Ngoài chữ ký chính thức, tôi thường còn ký nháy trên các trang tài liệu gốc phát hành, đặc biệt là BCTC, báo cáo kiểm toán. Thói quen này giúp tôi phát hiện được nhiều sự cố, trong đó có một sự cố mà “tội lỗi từ cái máy vi tính”.

Nếu bạn đã làm việc từ 25 năm trở về trước, khi đó còn chưa có máy vi tính, mọi tài liệu dự thảo đều phải sửa trực tiếp bằng tay. Nếu sửa nhiều thì nhân viên phải chép lại trước khi gửi cho phòng hành chính đánh máy, hai nhân viên phải đọc và soát lại từng câu chữ, từng dấu chấm, phẩy…sau đó mới đưa đi in rônêô.

Ngày nay, chúng ta phải cảm tạ các nhà khoa học đã phát minh, phát triển kỹ thuật số, đã sản xuất ra máy vi tính, email, internet…Các chương trình phần mềm thật là tuyệt diệu. Bạn hãy thử nghĩ: Nếu không có máy vi tính, không có các phần mềm thì KTV sẽ làm kiểm toán như thế nào?
Tuy nhiên máy vi tính cũng có nhiều tội lỗi đấy. Số là thế này, KTV thường lập báo cáo kiểm toán năm nay bằng cách chèn thông tin mới vào bản mềm báo cáo kiểm toán năm trước. Và rồi râu ông nọ cắm cằm bà kia, sai ngày, tháng, họ tên người có liên quan trong báo cáo. Thậm chí có chuyện không phát hành bản BCTC đã duyệt mà phát hành bản còn dự thảo lần trước…
Có một lần tôi ngạc nhiên khi nhận được một bộ BCTC có báo cáo kiểm toán, ký tên, đóng dấu đầu đủ do khách hàng gửi lại sau khi ký chính thức. Vì là việc thông thường nên tôi cũng xem rất nhanh, nhưng tự nhiên chững lại. Tôi phát hiện các trang báo cáo không có chữ ký nháy của tôi. Tôi giữ lại tài liệu đó chờ KTV đi khách hàng về mới hỏi rõ lý do. KTV lúng túng, xin lỗi tôi rồi mới nói rõ sự việc là đã in nhầm bản BCTC chưa hoàn chỉnh, khi gửi sang khách hàng ký đã phát hiện nên phải về làm lại, không dám trình lại tôi ký nháy.
Trong một cuộc họp giao ban sau đó, tôi đã kể lại “tội của cái máy vi tính” và nhắc nhở tất cả mọi KTV. Không biết các bạn đã có lần nào phải chịu lỗi từ “tội của máy vi tính chưa”?

19.            TRANG NÀY CÓ 3 LỖI
Tôi có thói quen hay sửa tài liệu rất chi tiết, thậm chí chữa là lỗi chính tả cho nhân viên. Cách làm này giúp cho việc phát hành tài liệu rất nhanh, nhưng cũng làm cho một số KTV ít suy nghĩ về các sai sót của mình, sửa lại tài liệu như một nhân viên hành chính. Đối với các tài liệu không quá gấp, tôi lại soát xét theo cách khách: Ngoài các phần phải viết bổ sung hoặc chữa lại lời văn, số liệu…đối với các lỗi do KTV thiếu cẩn thận, tôi không sửa trực tiếp mà ghi chú lại: “Trang này có 3 lỗi”…
Trường hợp này, KTV phải tự đọc lại rất kỹ. Có lúc các bạn cùng phòng phải chụm đầu vào để cùng kiểm tra, soát xét đi soát xét lại. Nhiều lần, nhân viên mang tài liệu lên phòng tôi, gãi đầu, gãi tai: “Chú ơi! Chúng cháu chỉ tìm ra có 2 lỗi.” Tôi xem lại và bảo: “Hai lỗi, đúng rồi nhưng chưa đủ.” Các bạn mang về phòng xem lại vài lần, có lúc còn cá cược nhau tìm ra sai sót, bình luận câu văn…đã giúp cho khả năng soát xét tốt lên rất nhiều. Có trường hợp các bạn còn tìm ra thậm chí là 4 lỗi, 5 lỗi chứ không chỉ là 3 lỗi do tôi chỉ ra…
Tôi nhớ mãi, một chuyên gia nước ngoài đã nói với tôi từ những năm 1992/1993: “Báo cáo kiểm toán không được sai sót dù chỉ là một dấu phẩy.” Tôi cũng đã nhắc lại điều này nhiều lần với nhân viên của mình. Không biết cách làm này có giúp ích gì cho bạn không?

20.           MỘT CÁI SÂN, HAI TẤM LÒNG
Vào một ngày gần ngày rằm trung thu năm 1995, có hai bác tự giới thiệu là tổ trưởng tổ dân phố khu vực văn phòng công ty chúng tôi đến xin gặp. “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Tôi luôn nhớ và ứng xử như vậy dù mình sống ở đâu. Vì thế tôi kéo ghế mời ngồi, gọi cho nhân viên hành chính mang nước đến mời hai bác.
“Thật không phải, nhưng xin lỗi anh, chúng tôi muốn mượn sân công ty để tổ chức đêm trung thu cho các cháu tổ dân phố”. Tôi hỏi thêm mấy chi tiết nữa và nói: “Sân công ty hơi chật, nếu các bác thấy lo cho các cháu được thì tốt. Thế bác tổ chức cho các cháu vào tối nào?” – “Đúng tối hôm rằm.” – “Tiếc quá, tối hôm đó tôi không có nhà, nhưng tôi sẽ thu xếp, có anh bảo vệ sẽ giúp bác.”
Tôi gọi cho tổ bảo vệ và dặn dò các việc: Bố trí thêm đèn sáng ra sân, cho mượn một vài cái bàn, một ít ghế, mở cổng sớm, sắp xếp lại ô tô, xe máy gọn gàng…và kiểm tra, khóa kỹ các cửa phòng làm việc…Anh chủ tịch công đoàn công ty vốn tính vui vẻ, cởi mở, nghe tin đã đề nghị tôi mua cho các cháu ít gói kẹo, bánh góp vui với các cháu. Tôi đồng ý ngay và nói thêm: “Nếu bố trí được, anh đến vui với các cháu nhé”.
Mấy hôm sau tôi được anh chủ tịch công đoàn thông báo là đêm trung thu của các cháu rất vui vẻ. Anh đã đến dự và còn góp vui bằng mấy bài hát sau khi thay mặt Ban lãnh đạo công ty chia quà của công ty cho các cháu. Anh nói thêm với vẻ hơi lo lắng: “Hôm đó các cháu đến đông quá, sân lại chật. Tôi có nói anh bảo vệ cho các cháu tổ chức nhờ cả ở phòng tiền sảnh của công ty.” Tôi nói để anh yên tâm: “Tổ trưởng bảo vệ có gọi điện hỏi tôi, tôi đã đồng ý rồi mà.”
Sự việc tưởng chỉ là như vậy. Hôm sau nữa bạn hành chính trình cặp tài liệu và nói: “Thưa chú, có bài báo viết về công ty mình đấy.” Tôi mở vội cặp tài liệu vì nghĩ rằng gần đây không có phóng viên nào phỏng vấn, sao lại có bài viết về công ty mình. Tôi hơi thấy lo, sợ có sai sót gì đấy bị đưa lên mặt báo.
Lật dở từng trang tờ báo Hà Nội Mới, tôi tìm mãi không thấy bài viết về công ty. Tôi phải đọc vào nội dung của mấy bài vì tin rằng nhân viên của mình không thể nhầm lẫn được. Một lúc sau tôi mới tìm thấy bài viết “Một cái sân, hai tấm lòng”. Tôi đọc nghiến ngấu đến lần thứ 2 thì hiểu rõ mọi chuyện. Số là thế này: Hai bác tổ trưởng dân phố đã đi hỏi mượn sân của một cơ quan bên cạnh vì sân rộng, có bóng cây đẹp…để tổ chức đêm trung thu cho các cháu nhưng không được công ty đồng ý. Thấy sân công ty chúng tôi chật chội nên phút cuối cùng mới đến hỏi. Sân chật nhưng phòng tiền sảnh lại rộng và đẹp nên đêm trung thu càng thêm vui và ấm cúng. Hai bác đã kể lại câu chuyện trên cho một phóng viên báo sống trong tổ dân phố đó và người phóng viên đó đã viết bài kể lại câu chuyện trên và ca ngợi công ty chúng tôi, ngỏ ý trách móc cơ quan bên cạnh. Các bác còn đề nghị báo phát động thành phong trào học tập sự việc trên của Ban lãnh đạo công ty chúng tôi: “Sân chật nhưng tấm lòng rộng mở…” Tôi thấy rất vui nhưng cũng hơi lo lắng…
May quá, hôm sau hai bác mang tờ báo cùng một lá thư cảm ơn của tổ dân phố đến cảm ơn tôi. Tôi vui vẻ tiếp hai bác, tôi cảm ơn vì bài báo nhưng cũng trình bày ngay một đề nghị mà tôi nghĩ đến ngay sau khi đọc bài báo: “Xin cảm ơn hai bác rất nhiều. Bài báo đã là món quà lớn đối với công ty chúng tôi rồi. Xin hai bác nói với anh nhà báo xin dừng lại ở đây, không nên bàn luận thêm nữa, không nên để cơ quan bạn phải suy nghĩ…”
Trong mấy cuộc họp công đoàn sau đó, nhiều bạn đã đưa câu chuyện ra trao đổi. Tôi luôn nghĩ, trong các bạn đồng nghiệp ngày ấy đã có bao nhiêu bạn nay là giám đốc, tổng giám đốc công ty kiểm toán lớn, nhỏ. Tôi tin rằng câu chuyện trên ít nhiều đã giúp ích cho các bạn cách cư xử với địa phương nơi công ty mình cư trú.

21.           GỌI RA ĐỂ ĂN CHỨ KHÔNG PHẢI ĐỂ BỎ ĐI
Bây giờ các bạn đã khá quen thuộc với việc người nước ngoài bao giờ cũng ăn hết những thức ăn mà họ gọi. Nếu có thừa chút ít họ yêu cầu nhà hàng đóng gói để mang về.
Tôi có đứa cháu làm nhân viên phục vụ cửa hàng ăn uống của Trường Hoa Sữa đã kể lại rằng: “Có hai vợ chồng người nước ngoài ăn phở. Người vợ ăn hết bát phở, còn một ít nước dùng đã đổ sang bát của chồng để người chồng húp hết.” Chắc các bạn đã biết, ăn hết thức ăn, người ta còn lấy bánh mỳ quệt ăn.
Từ năm 1995, khi đó các chuyện nói trên còn lạ lẫm với chúng ta lắm. Có một lần, chúng tôi mời một người bạn Nhật Bản đi khách sạn Daewoo ăn đồ ăn Nhật. Người bạn Nhật ăn rất ngon lành, giống như lần đầu tôi đi Anh khoảng 6, 7 ngày không được ăn cơm. Khi về Pháp, người đồng nghiệp mời tôi ăn cơm ở Nhà hàng Hoàn Kiếm, Quận 13 Paris. Khi thấy nhân viên đưa ra chén cơm trắng rất nhỏ, tôi đã vội nói với người phục vụ cho xin một bát nữa. Người phục vụ nhẹ nhàng nói: “Chú cứ ăn, cháu sẽ mang tiếp cho chú.” Tôi ăn ngon lắm, như chưa bao giờ được ăn ấy.
Khi ăn xong còn 3, 4 miếng sushi các loại, tôi thấy người phục vụ đóng gói cẩn thận đưa cho người bạn Nhật. Lúc đó tôi cũng thấy ngạc nhiên lắm nhưng không tiện nói gì…
Một lần khác đi ăn với một người Anh. Do đặt món trước và có 1-2 đồng nghiệp không đi dự được nên thức ăn còn thừa nhiều. Thấy chúng tôi thanh toán tiền xong đứng dậy ra về, ông khách người Anh đó kéo tôi ngồi xuống và nói rằng: “Chúng tôi có đói thì mới vào nhà hàng ăn. Chúng ta gọi món ăn ra để ăn chứ không phải để bỏ đi.” Tôi giải thích lý do bị thừa thức ăn. Ông ta nói: “Hãy yêu cầu nhân viên nhà hàng đóng gói để mang về.” Từ đó tôi hình thành nên thói quen: Mỗi khi liên hoan, ăn tiệc vào cuối bữa, tôi thường gắp thức ăn chia cho mọi người và động viên họ ăn hết. Tôi thường bảo: “Nếu không ăn hết thì lần sau gọi ít thôi.”
Ngày nay, thói quen này đã xuất hiện ở Việt Nam nhưng cũng chưa phải là phổ biến. Tôi viết lại kỷ niệm này để các bạn cùng suy nghĩ.

22.            TÔI KHÔNG PHẢI GẶP AI NỮA
Ngay từ ngày đầu nhận nhiệm vụ là giám đốc công ty kiểm toán đầu tiên cho đến hôm nay tôi vẫn luôn nghĩ rằng nghề kiểm toán là nghề quá mới mẻ, là nghề của kinh tế thị trường. Do đó Việt Nam mình phải học tập nước ngoài, phải kêu gọi đầu tư nước ngoài, cần có sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài. Muốn vậy mình cũng phải tận tình hỗ trợ người ta. Phải đôi bên cùng có lợi. Để có thể hội nhập, được thừa nhận lẫn nhau, phải có nhiều người Việt Nam đạt được chứng chỉ quốc tế. Tôi đã có nhiều lần ra nước ngoài, tiếp xúc với nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân…Mỗi lần gặp, mình cần người ta giúp cái gì, người ta làm thế nào thì mình thấy thỏa mãn…Vì thế, dù làm việc trên cương vị nào trong 20 năm qua thì tôi cũng rất sẵn sàng tiếp đón và hỗ trợ chuyên gia nước ngoài, tiếp đón họ giống như những gì mình mong muốn họ tiếp đón mình. Đã nhiều lần như thế, nhưng có một lần làm tôi nhớ mãi.
Vào năm 2004, một chuyên gia người Anh đăng ký xin làm việc với tôi một buổi sáng. Ông đã gửi tôi kế hoạch làm việc 3 ngày với mấy cơ quan trong Bộ Tài chính để tìm hiểu về việc tuân thủ chuẩn mực kiểm toán quốc tế, về BCTC, kiểm toán, đăng ký chế độ kế toán, quy định về người phụ trách kế toán của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam…Sau khi chào hỏi xã giao, tôi nói ông chờ ít phút và nói chuyện với người phiên dịch. Tôi về phòng làm việc lấy ra khá nhiều sách vở, tài liệu…Tôi trình bày như một chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp phần quy định của Luật kế toán, Nghị định của Chính phủ, quy định của Bộ Tài chính…Những quy định trước đây, quy định hiện hành lúc bấy giờ và những gì đang được chuẩn bị ban hành. Vừa trình bày, tôi vừa chỉ dẫn trong sách và tài liệu, thậm chí còn so sánh với quốc tế những gì tôi biết được. Tôi tặng ông một vài văn bản, 1-2 quyển chuẩn mực kế toán vừa xuất bản trong đó có phần tiếng Anh, tiếng Việt xen kẽ…Tôi trả lời cụ thể về từng vấn đề ông hỏi thêm. Gần trưa, ông xin phép tôi thực hiện một vài cuộc điện thoại ngắn xong lại tiếp tục làm việc. Mãi quá 12h trưa buổi làm việc của chúng tôi mới kết thúc. Đối với chúng ta, ít khi làm việc quá 12h, nhưng người nước ngoài bình thường cũng có thể làm đến 13h, 14h…
Tuy vẫn say sưa, nhiệt tình trao đổi, nhưng tôi chợt hỏi: “Ông có sợ lỡ buổi làm việc chiều nay không? Tôi biết ông còn mấy cuộc hẹn nữa.” Ông cười lớn và nói: “Tôi đã xin hủy mấy cuộc gặp. Vì sau khi làm việc với ông, tôi thấy tôi không cần phải gặp ai nữa.”
Sau đó thì tôi hiểu nội dung mấy cuộc gọi của ông trong lúc đang làm việc.

23.           VACPA ĐÃ NHƯ MỘT HỘI CPA CỦA MỸ
Mới gần đây Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo “Quản lý hiệp hội, vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp đối với ngành công nghiệp dịch vụ trong giai đoạn chuyển đổi tại Việt Nam” do các chuyên gia của Phòng Thương mại Mỹ trình bày. Tôi được mời dự nhưng không đi được mà cử một cán bộ chuyên môn của Hội đi dự. Vào giờ giải lao Ông Michael S. Olson đã tìm gặp đại biểu của VACPA và ngỏ ý muốn đến thăm và làm việc với lãnh đạo Hội. Thông tin được thông báo cho tôi. Tôi đồng ý tiếp 2 chuyên gia từ Phòng Thương mại Mỹ.
Sau khi chào xã giao, đi qua mấy phòng làm việc thăm văn phòng Hội, xem mấy bức ảnh về Hội, buổi làm việc được bắt đầu.
Hai chuyên gia ngỏ ý muốn biết về tình hình hoạt động kế toán, kiểm toán Việt Nam, về hội nghề nghiệp đại diện cho ngành kiểm toán Việt Nam là VACPA…Tôi cảm ơn cuộc viếng thăm và hỏi ngay điều mà tôi vẫn chưa rõ ngay từ khi biết tin chuyên gia muốn gặp Hội: “Xin lỗi, các ông biết tin về VACPA từ nguồn nào?” - “Chúng tôi đã đọc website của VACPA. Phần tiếng Anh có lẽ in thông tin hơn phần tiếng Việt. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu được khá nhiều về Việt Nam, về VACPA…” - “Xin lỗi, ông biết địa chỉ website của chúng tôi từ nguồn nào?” - ”Từ Báo Đầu tư.”
Tôi thấy vui vui trong lòng. Từ nước Mỹ xa xôi, có chuyên gia nước ngoài đã đọc website của VACPA, đã biết về VACPA. Điều đó đã giúp tôi rất nhiệt tình giới thiệu về những vấn đề chuyên gia cần biết. Riêng về VACPA, tôi dùng slide để giới thiệu những việc VACPA đã và đang làm: Từ sơ đồ tổ chức, nguyên tắc tổ chức, mục tiêu hoạt động, tiêu chuẩn, điều kiện hội viên, công việc đào tạo cập nhật kiến thức, đăng ký hành nghề, kiểm soát chất lượng, xây dựng chuẩn mực, hợp tác quốc tế…Chuyên gia say sưa lắng nghe, hỏi rất ít vì mỗi nội dung trình bày đều có một vài slide hình ảnh chứng minh…Chúng tôi còn tặng cho chuyên gia các sách và tài liệu liên quan.
Trước khi kết thúc, Ông Olson nói: “Như vậy, tổ chức và hoạt động của VACPA đã như một Hội CPA của Mỹ.” Tôi cảm ơn và nói thêm: “Chúng tôi xây dựng VACPA theo mô hình của một tổ chức nghề nghiệp quốc tế, và chúng tôi cố gắng làm được những gì chúng tôi hiểu là đúng. Tuy nhiên những gì chúng tôi làm được hoàn toàn còn chưa vững chắc, nguồn lực còn yếu và nhất là còn phụ thuộc lớn vào quy định pháp lý của nhà nước.”
Những cuộc học tập và khảo sát ở nước ngoài đã hun đúc lên trong tôi một câu hỏi lớn: “Tại sao các nước họ làm được mà Việt Nam chúng ta không hoặc chưa làm được?” . Các bạn đồng nghiệp, chúng ta hãy cùng trả lời câu hỏi này nhé!

Hết
**************************

Kỷ niệm đời kiểm toán viên (Phần 2)

0


Tác giả: Ông Bùi Văn Mai - Phó Chủ tịch TT kiêm TTK VACPA


11.     MỘT BIÊN BẢN HỌP CÓ 8 CHỮ KÝ VÀ 7 CON DẤU

Không biết bây giờ thủ tục hành chính còn như vậy không nhưng khi chuyển nhượng mảnh đất làm trụ sở công ty, chúng tôi phải đứng ra tổ chức một cuộc họp liên cơ quan làm nhiệm vụ định giá tiền chuyển nhượng.
Sau 2 lần hoãn họp, hôm ấy may sao cuộc họp đã mời đủ đại diện của 7 sở, ban ngành của thành phố, gồm: Sở Tài chính, Sở Địa chính, Sở Vật giá, Sở Xây dựng, Sở chủ quản đơn vị chuyển nhượng đất, đơn vị chuyển nhượng, và chúng tôi - đơn vị được chuyển nhượng. Cuộc họp diễn ra rất ngắn, chỉ khoảng 30 phút cuối giờ làm việc nhưng sau đó phải mất 5 ngày làm việc để đi xin đủ được 8 chữ ký và đóng được 7 con dấu trên tờ Biên bản họp ấy.
Trong quá trình hành nghề kiểm toán, đã khi nào bạn thấy một giấy tờ gì dày đặc con dấu và chữ ký như vậy chưa?

12.           TẶNG QUÀ CHO NGƯỜI CHẾT
Khi chuyển nhượng lại mảnh đất số 8 Phạm Ngọc Thạch từ Công ty Thương nghiệp Hà Nội, chúng tôi có hứa tặng một món quà cho ông giám đốc. Chẳng may khi công việc chưa xong thì ông đã qua đời sau một cơn bệnh nặng. Chúng tôi lo vòng hoa và chút ít tiền phúng viếng, tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.
Mấy ngày sau đó, tôi và 2 ông đồng nghiệp già lần mò tìm đến nhà ông giám đốc kèm theo thẻ hương và gói quà nhỏ đặt lên bàn thờ ông mới được dựng tạm sau khi ông mất. Cùng với lời viếng là lý do của món quà nhỏ gửi cho ông. Bà vợ ông đứng bên cạnh khóc nức nở “Ông ơi, ông đang có những người bạn tốt. Hai hôm nay chỉ thấy người đến đòi nợ ông. Không ngờ hôm nay lại có mấy ông đây đến tặng quà cho ông. Ông linh thiêng về nhận, tôi đã thay mặt ông cảm tạ họ rồi…”
Mãi về sau, cho đến lúc này, tôi luôn thấy tâm hồn mình thanh thản.

13.           CHUYỆN CHIẾC “CẠC VI DÍT”
Ngày nay, chẳng mấy KTV không có danh thiếp. Chứ ngày ấy, vào những năm 1995/1996, danh thiếp chỉ dùng cho giám đốc, phó giám đốc. Danh thiếp là phương tiện thông tin hữu hiệu để tuyên truyền, quảng bá danh tính và nghề nghiệp. Nhà hàng, khách sạn ngày nay để hộp danh thiếp ngay tại bàn lễ tân để khách tự ý sử dụng…Với tôi, tấm danh thiếp đã để lại một kỷ niệm nhớ đời KTV.
Một buổi sáng đang làm việc, thấy điện thoại bàn reo vang, tôi cần máy: “Alô! Dạ tôi nghe”; “Chào anh M! Em…đây”; “Dạ…”; “Sao anh hẹn mà anh không đến…”! “Dạ…xin lỗi”! “Em đây mà…”; “Hôm trước anh hẹn thế mà tối qua anh chẳng đến, em chờ mãi…”; “Xin lỗi, chị nhầm máy rồi, chị gọi ai đấy ạ”...”Em…em…”; tôi bỏ máy và cho rằng một cô gái nào đó đã gọi nhầm máy.
Mấy phút sau tiếng chuông lại reo…Tôi cầm máy và nghĩ rằng có một cuộc gọi mới: “Dạ, tôi nghe”. “Anh M…em đây mà, em làm sao mà nhầm máy được, chắc anh không muốn gặp em nữa phải không? Tay em đang cầm “cạc vi dít” của anh đây, sao mà em nhầm được…” “Xin lỗi, em đang cầm danh thiếp của ai đấy, đọc lên anh nghe…” và tôi vô cùng ngạc nhiên khi cô gái đọc đúng Họ tên, Chức danh, tên công ty và số điện thoại, số fax…Khi đó thì tôi phải thừa nhận: Đúng là danh thiếp của mình rồi. Tôi hơi giật mình và bình tĩnh nói “Xin lỗi, ai đưa tấm danh thiếp đó cho em”; “Anh chứ còn ai! Anh đã ngồi với em, anh đưa “cạc vi dít” và hẹn hôm sau anh đến với em, anh còn hỏi tên em và…” Tôi thấy sự việc đúng là quan trọng nên nhẹ nhàng nói tiếp “Được rồi! Thế em ở nhà hàng nào? Anh sẽ đến…” Cô gái nói tên nhà hàng và nhắc tôi: “Anh đừng lỡ hẹn nữa đấy.”
Ngay sau đó tôi mời anh Phó giám đốc và Chủ tịch công đoàn lên gặp và mô tả lại tất cả sự việc. Tôi giao nhiệm vụ: “Tôi đồng ý chi tiền cho hai anh đến nhà hàng đó, tìm gặp cô gái, mời cùng ngồi…và hỏi cho rõ sự việc. Tìm cách xin lại chiếc danh thiếp của tôi và nói rằng: “Chắc chắn có một ai đó đã dùng danh thiếp của tôi đi nhà hàng, đưa cho cô gái và hò hẹn…, yêu cầu cô gái không được gọi cho giám đốc chúng tôi nữa.”
Hết giờ làm việc chiều hôm đó, hai đồng nghiệp của tôi đã đến nhà hàng, qua các nhân viên được biết cô gái có tên vậy đang nghỉ ốm, một hai hôm nữa mới đi làm việc…
Ba hôm sau, hai đồng nghiệp của tôi lại đến nhà hàng, gọi bia, thức nhắm…nhưng vẫn không gặp được cô gái. Hai người gặp phụ trách cửa hàng nói rõ sự việc thì được biết cô gái có tên vậy đã nghỉ làm hai hôm nay. Chủ cửa hàng nhận lời: nếu cô gái quay lại sẽ nhắc cô yêu cầu của tôi…
Sự bận rộn của nghề nghiệp kiểm toán đã giúp tôi quên đi chuyện về tấm danh thiếp bị lợi dụng thật nguy hiểm. Trong một lần sinh hoạt công đoàn vui vẻ, tôi đã kể lại chuyện cũ như một kỷ niệm độc đáo trong đời KTV, nhắc nhở anh em thận trọng khi sử dụng tấm danh thiếp KTV.

14.           TÔI LÀ ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Trong 3-4 năm đầu sau khi thành lập và hoạt động, Công ty kiểm toán Việt Nam (VACO) như một cô gái đẹp, được cả mấy “đại gia” thế giới (PW, KPMG, DTT, AA, CL, E&Y…) săn đón. VACO đã liên doanh kiểm toán, đã ký biên bản hợp tác với mấy anh cả…Rốt cuộc, VACO đã kết duyên cùng DTT, một trong Big 6. Nguyên nhân không thành duyên với các Big… khác chủ yếu do VACO là doanh nghiệp nhà nước, do Bộ Tài chính quản lý. DTT là “đại gia” duy nhất gắng gượng vượt qua được thực tế đó.
Thế rồi, chưa đầy 1 tháng sau, Ông David Tong – TGĐ liên doanh VACO-DTT lại  gặp một cú “sốc” mới khi biết rằng: TGĐ của VACO, Phó TGĐ liên doanh VACO-DTT là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Số là Chi bộ Đảng mỗi tháng sinh hoạt 1 lần. Tôi phải báo cáo với TGĐ cho anh em nghỉ làm 1 buổi để họp Chi bộ Đảng. Ông TGĐ trố mắt ngạc nhiên, yêu cầu phiên dịch nhắc lại lời yêu cầu của tôi. Ông hỏi lại: “Ông là Đảng viên Đảng cộng sản? Liên doanh có Chi bộ Đảng cộng sản? Chi bộ các ông làm gì? Sao tôi không được biết khi thành lập liên doanh…” Tôi phải giải thích cặn kẽ nhưng ông vẫn tỏ ra không hiểu, có thể do phiên dịch chưa rõ, có thể do ông chưa từng có khái niệm về Đảng cộng sản hoặc ông đang nghĩ rất khác chúng ta về Đảng cộng sản Việt Nam.
Từ đó, mỗi lần trao đổi công việc với tôi ông tỏ ra thận trọng hơn, ít nói hơn vì trước đó ông là người thầy đã dạy cho tôi khá nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp. Tôi nhớ mãi cách tính phí kiểm toán ông đã hướng dẫn cho tôi trong một lần cùng ngồi trên máy bay đi Hồng Kông, Trung Quốc…Ông nhắc tôi: “Không được ngượng ngùng, không được do dự khi thông báo mức phí cho khách hàng. Cách nói chắc chắn, giúp khách hàng cho rằng mức phí đưa ra là đúng mức…” Ông nói với tôi và gửi Memo cho các thành viên Ban giám đốc liên doanh: “Chỉ nhận cung cấp dịch vụ cho khách hàng khi đạt mức phí từ 5000 USD trở lên…”
Trong quá trình làm việc sau đó chúng tôi có gặp một vài trục trặc và tôi nghĩ rằng: “Có thể do ông vẫn ấn tượng về việc tôi là Đảng viên.”
Thế rồi một ngày ông TGĐ chia tay chúng tôi đi nhận công việc khác. Tôi hỏi ông “Việc tôi là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, việc trong liên doanh có Chi bộ Đảng có gây khó khăn gì cho ông không?” và nhắc lại chuyện cũ…Ông cười bảo: “Tôi đã quên chuyện đó rồi. Tôi được biết trong các kỳ họp Chi bộ, ông luôn nhắc nhở đồng nghiệp thực hiện công việc kinh doanh, đảm bảo chất lượng, không để xảy ra rủi ro…Tôi cảm ơn Chi bộ Đảng của ông…”
  
15.           RỦI RO NGHỀ NGHIỆP

Đã 20 năm hoạt động KTĐL nhưng chỉ mấy năm gần đây mới xảy ra vài vụ sai phạm nghề nghiệp khiến Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán nhà nước và Hội nghề nghiệp đưa ra quyết định xử lý: nghiêm khắc phê bình, khiển trách, cảnh cáo hoặc đình chỉ hành nghề…Thực tế các sai phạm nghề nghiệp đã xảy ra ngay từ những năm đầu tiên ra đời KTĐL.
Chuyện là thế này: Vào một buổi gần trưa tháng 7/1995, lễ tân báo tôi có khách từ Hà Sơn Bình (tỉnh Hòa Bình hiện nay). Tôi thấy vui vui vì đang có 2-3 khách hàng từ đó. Cửa mở, hai cán bộ khá trẻ bước vào phòng. Tôi đứng dậy miệng chào, tay kéo ghế mời khách ngồi. Hai cán bộ gật đầu trả lời và nhìn ngắm căn phòng, nhìn tôi hơi kỹ.
a.               Xin lỗi, hai anh ở đơn vị nào và gặp tôi có việc gì ạ!
b.              
c.               Mời các anh uống nước…
d.               Anh là…giám đốc công ty kiểm toán…?
e.               Vâng!
f.                Các anh định giá tài sản của Công ty chế biến và xuất khẩu tinh dầu X?
Tôi ngập ngừng vài giây và trả lời “Vâng”.
Sau đó hai cán bộ đưa giấy giới thiệu và giải thích rằng họ là công an điều tra của Sở Công an Hà Sơn Bình đang điều tra về vụ Công ty chế biến và xuất khẩu tinh dầu Hà Sơn Bình đã vay của Ngân hàng nông nghiệp tỉnh hơn 2 tỷ đồng nhưng bị phá sản không có khả năng thanh toán; rằng khoản tiền vay đó liên quan đến tài sản thế chấp là 57 quyển sổ đỏ đất trồng rừng, do công ty tôi xác định giá trị rừng trồng bị sai khoảng 27% tổng diện tích. Sau gần 1 giờ trao đổi và xem tài liệu, các điều tra viên đã chỉ ra chỗ sai của KTV là cộng trùng diện tích trồng rừng của 18 quyển sổ đỏ. Tôi so đi, tính lại và nhận thấy các KTV đã sai rõ ràng. Tất cả có 7 bản danh sách các hộ trồng rừng, mỗi hộ có 5-7 mảnh đất trồng rừng được ký hiệu A, B, C cho từng lô, khoảnh…Có 18 quyển sổ đỏ được lập 2 lần xen kẽ vào từng tờ danh sách khác nhau…
Tôi lo lắng hỏi: “Vậy theo các anh, chúng tôi phải làm gì”. “Chúng tôi sẽ lập Biên bản làm việc, hoàn thiện hồ sơ và đề nghị xét xử theo quy định…” Biên bản làm việc đã được lập. Tôi chỉ đề nghị bổ sung câu “Về các số liệu nêu ra (trong biên bản) chúng tôi sẽ xem xét lại và giải trình sau.” Sau đó các thủ tục cần thiết của người có lỗi đã được chúng tôi thực hiện.
Làm giám đốc công ty kiểm toán không có gì vui sướng hơn khi ký được một hợp đồng nặng ký, hoặc khi thắng thầu trong một cuộc đấu thầu kiểm toán có nhiều công ty kiểm toán tham gia…Nhưng cũng không có gì lo lắng hơn khi xảy ra “rủi ro nghề nghiệp”, nhất là khi xảy ra các sai phạm rõ ràng không có gì có thể biện minh, cho dù chúng tôi vẫn thường nhận phí tư vấn cho khách hàng.
Ngay chiều hôm đó, tôi gọi cho KTV phụ trách hợp đồng mang nộp cho tôi toàn bộ tài liệu, hồ sơ liên qua đến khách hàng đó. KTV cũng cực kỳ lo lắng và giải trình với tôi…Tôi cử KTV khác cùng KTV tiền nhiệm về Ngân hàng nông nghiệp tỉnh và tìm hiểu cặn kẽ hơn sự việc…Với tất cả mọi thông tin được cung cấp từ các nguồn, ánh sáng đã le lói từ cuối đường hầm: Tất cả thông tin do hai điều tra viên cung cấp đều đúng cả, nhưng thiếu một thông tin quan trọng, đó là việc thuê KTV định giá tài sản thế chấp ngân hàng chỉ là thủ tục cần thiết để bảo đảm cho các khoản vay ngân hàng đã xảy ra trước đó.
Hai hôm sau, một trong hai điều tra viên nói trên đã quay lại làm việc. Tôi cảm ơn và nhận lỗi thay cho các KTV đã làm việc trực tiếp. Tôi thông báo thêm tình tiết mới được phát hiện và đề nghị ghi bổ sung vào biên bản. Để sự việc được êm dịu, tôi quyết định sử dụng hết khoản phí thu được từ khách hàng này để tên công ty kiểm toán của chúng tôi không bị ghi trong hồ sơ vụ án.
Vụ việc qua đi nhưng giá trị của lỗi lầm của KTV đã lưu lại mãi, cho đến hôm nay. Tôi ghi lại kỷ niệm này để đồng nghiệp tham khảo. “Nghề kiểm toán là nghề đòi hỏi sự cẩn thận đến mức tưởng như không cần thiết.”

16.           NGỦ CÙNG PHÒNG

Có lẽ chỉ các bạn KTV mới thấu hiểu cái cực nhọc của nghề kiểm toán trong “mùa bận rộn”. Khi mà file kiểm toán xếp đầy trên bàn và để cả dưới sàn nhà, xếp xung quanh KTV, các manager và Ban lãnh đạo…thì không ai muốn tiếp khách thông thường nữa. Nhiều lúc không kịp cả ăn, uống…Làm việc đến 2-3 giờ sáng, thậm chí còn ngủ lại văn phòng làm việc. Bộ phận hành chính mua thức ăn, đồ uống cho anh em…Người thân tôi nhiều lần nói: “Chả biết ông làm gì ở văn phòng đến tận giờ này…” Một lần tiếp xúc với các ông/bà tổ dân phố, họ nói: “Chẳng biết công ty của ông làm gì mà chỉ thấy người đi ra, đi vào, thậm chí rất sớm, rất khuya…”
Với tôi lại có một kỷ niệm “rất khác” trong mùa kiểm toán.
Trong những dịp quá bận rộn, tôi chỉ đạo cho lễ tân chỉ nối điện thoại hoặc thông báo cho tôi tiếp các khách đặc biệt quan trọng, chủ yếu là khách hàng. Một buổi sáng ấy, đang cặm cụi sửa bản Báo cáo kiểm toán để kịp lưu hành vào buổi chiều như đã hẹn với khách hàng, chuông điện thoại reo vang. Bạn lễ tân thông báo cho tôi bằng một giọng ngập ngừng: “Thưa chú…có một chị…nói rằng đã…ngủ cùng phòng…với chú…xin gặp chú ạ!”
Tôi chững lại một giây, và nghĩ nhanh: “Ai mà táo tợn thế nhỉ?” và nói: “Mời chị ấy lên gặp chú”. Bỏ điện thoại, tôi đứng dậy đi ra cửa. Có tiếng gõ cửa và một người phụ nữ còn trẻ, ưa nhìn…tủm tỉm cười, nhìn tôi, nói to và nhanh: “Anh ngạc nhiên lắm hả, vào phòng em giải thích cho anh nghe”. Tôi đã nhận ra người quen và cũng nói to: “Trời ơi! Chị nói thế thì chết tôi mất”.
Chưa kịp mời nước, người phụ nữ vừa vui mừng vừa giải thích: “Em mà không nói thế, nhân viên của anh đâu có cho em lên gặp anh, mà việc thì rất gấp: Em xin cho cháu vào làm việc ở công ty nên phải trực tiếp gặp anh” – “Thế sao chị lại nói vậy?” – “Em nói không đúng à, khi học lớp kiểm toán, anh là giảng viên, em và nhiều người, trong đó có anh, đều cùng ngủ trưa tại phòng học là gì?”
Trước khi ra về, tôi mách cho chị người quen một mẹo nhỏ: “Chị nói vậy đã là một mẹo hay nhưng táo tợn quá. Lần sau chị muốn gặp giám đốc công ty kiểm toán nào chị chỉ cần nói: Tôi là…ở doanh nghiệp A, B, C…xin gặp giám đốc công ty để thỏa thuận ký hợp đồng kiểm toán…chị sẽ được nhân viên niềm nở chào đón và rải chiếu hoa mời vào…”
Sau đó tôi thấy chị người quen nói chuyện khá lâu với bạn làm lễ tân. Cuối giờ chiều, bạn lễ tân nói lại với tôi về những gì chị bạn đã giải thích lại với bạn ấy.
Chắc chắn có rất nhiều bạn KTV và chính bạn cũng đã “ngủ cùng phòng” trong các lớp học, cập nhật kiến thức…như câu chuyện của tôi nhưng có thể bạn chưa có một kỷ niệm như vậy. Một sự việc, một lời nói, một kỷ niệm…sẽ giúp chúng ta thấy vui vẻ hơn và gắn bó hơn với một “nghề” đã trở thành “nghiệp” này, nhất là trong mùa bận rộn. Có phải vậy không các bạn?

17.           CHÚNG TÔI ĐÃ VI PHẠM ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP KIỂM TOÁN

Vào năm 1993/1994 ở Hà Nội vẫn còn rất ít xí nghiệp liên doanh giữa Việt Nam với nước ngoài. Vì mới có rất ít công ty kiểm toán nên chúng tôi gần như không phải đi tìm khách hàng. Các bên nước ngoài thường mời công ty kiểm toán nước ngoài, nhưng bên Việt Nam lại nhất định mời công ty kiểm toán Việt Nam. Lý do chủ yếu có thể do ngôn ngữ và thông lệ quốc tế và Việt Nam còn rất khác nhau.
Chúng tôi được mời làm kiểm toán cho Xí nghiệp liên doanh Hải Hà Kotoboki sản xuất bánh kẹo và kiểm toán Liên doanh sản xuất bia Haliđa. Vì cùng làm kiểm toán cho 2 liên doanh của cùng một bên Việt Nam nên chúng tôi biết được bên Việt Nam đang thiếu vốn góp để bảo đảm tỷ lệ 30/70. Trong quá trình kiểm toán, chúng tôi phát hiện ra không chỉ có bên nước ngoài là Hãng bia Casberg Đan Mạch muốn thành lập liên doanh với Bia Hải Hà mà còn một, hai hãng bia quốc tế khác…Tôi nhẩm tính và đưa ra đề xuất xác định giá trị vô hình của nhãn hiệu Bia Hải Hà để tính vào vốn góp liên doanh. Khi trình bày đề xuất này với Bà TGĐ, mặc dù  tỏ ý nghi ngờ ở tính khả thi của đề xuất nhưng bà TGĐ cũng đồng ý ký hợp đồng nhờ chúng tôi tư vấn. Giá phí tư vấn khá cao nhưng thỏa thuận “Nếu không được bên nước ngoài chấp thuận thì không được trả phí tư vấn”. Tôi đồng ý.
Bằng việc tính tỷ lệ lãi suất hàng năm của nhà máy Bia Hải Hà, chênh lệch giá của các loại bia đang bán, tính lợi thế thương mại, nhu cầu liên doanh của các hãng bia nước ngoài khác…chúng tôi đã tính ra giá trị vô hình của nhãn hiệu Bia Hải Hà là 600.000 USD, tương đương với 6 tỷ VNĐ lúc bấy giờ. Sau khi trao đổi với bên Việt Nam, Bia Hải Hà tổ chức một cuộc họp để chúng tôi trình bày phương pháp tính và kết quả đề xuất với đối tác nước ngoài…Kết quả thật bất ngờ, bên nước ngoài tạm thời chấp nhận và xin trả lời chính thức sau bằng văn bản. Sau đó, tôi được biết bên nước ngoài đã tham khảo ý kiến chuyên gia, nhà tư vấn của họ, và đặc biệt được chi nhánh một ngân hàng của Pháp ở Hà Nội lúc đó đồng ý. Mấy ngày sau, hai bên liên doanh ký biên bản bổ sung vốn góp của bên Việt Nam đúng bằng 600.000 USD. Báo chí lúc bấy giờ đã đưa tin “Lần đầu tiên một bên của Việt Nam góp vốn liên doanh bằng giá trị vô hình của nhãn hiệu hàng hóa.”
Kết quả thật bất ngờ. Có gì vui hơn đối với bên Việt Nam. Bà TGĐ đã quyết định thưởng cho công ty kiểm toán chúng tôi 10 triệu đồng và một số lượng két bia lớn đủ dùng thoải mái cho ngày Lễ khánh thành trụ sở văn phòng công ty tại Số 8 Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội vào tháng 8/1994.
Nếu đối chiếu với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành ngày 01/12/2005 (thậm chí cả chuẩn mực đạo đức quốc tế) thì chúng tôi đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán vì “KTV không được nhận bất kỳ khoản phí hoặc quà tặng nào của khách hàng ngoài phí dịch vụ đã ghi trong hợp đồng.”
Còn nữa ...

Kỷ niệm đời kiểm toán viên (Phần 1)

0

Tác giả: Ông Bùi Văn Mai - Phó Chủ tịch TT kiêm TTK VACPA
KỶ NIỆM ĐỜI KIỂM TOÁN VIÊN
1.   KIỂM TOÁN LÀ GÌ
Tôi có anh bạn học từ thời cấp III phổ thông, từ 1963-1967. Vào năm 1990/1991 Anh đã là giáo sư toán học. Cách đây hơn 10 năm Anh hay dẫn đoàn học sinh đi thi toán quốc tế. Sau mấy năm không gặp, hè 1995 gặp Anh. Tôi tặng Anh cuốn sách “Tìm hiểu về kiểm toán độc lập”. Biết tôi làm giám đốc công ty kiểm toán, anh vỗ vai tôi cười bảo: “Kiểm toán là gì? Chắc là kiểm tra toán học phải không?”

2.   CÔNG TY KIỂM TOÁN ĐẦU TIÊN ĐƯỢC CẤP
     KINH PHÍ SỰ NGHIỆP TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Theo Quyết định số 165 TC/QĐ/TTCB ngày 15/05/1991 của Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoàng Quy về việc thành lập công ty dịch vụ kiểm toán Việt Nam, VACO được cấp kinh phí sự nghiệp/hành chính trong vòng 1 năm. Mà các bạn biết đấy, để được cấp kinh phí sự nghiệp, công ty phải được Bộ duyệt định biên, phải sử dụng định mức dự toán, đơn giá lập kế hoạch dự toán xin kinh phí (theo mức của cơ quan Bộ Tài chính).
Thực tế sau 3 tháng đầu hưởng kinh phí hành chính thấy thủ tục nhiều, tiền có ít, lại ký được hợp đồng thu phí đủ chi tiêu, tôi đã xin thôi hưởng kinh phí ngân sách.

3.               HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ ĐẦU TIÊN CỦA
CÔNG TY KIỂM TOÁN VIỆT NAM ĐẦU TIÊN

Sau khi khai trương hoạt động ngày 21/09/1991, biết có công ty kiểm toán, khách hàng đã đến giao dịch ký hợp đồng. Các bạn biết không, hợp đồng đầu tiên VACO ký là giám định tính đúng đắn của 4 tờ phiếu chi tiền mặt của Xí nghiệp dịch vụ Côn Đảo (văn phòng đại diện tại Hà Nội) với giá trị hợp đồng là 1000.000đ (Một triệu đồng).
4.               KIỂM TOÁN LIÊN DOANH CÂU LẠC BỘ QUỐC TẾ
11 LÊ HỒNG PHONG, HÀ NỘI
Từ tháng 8/1991 đến tháng 3/1992 chúng tôi thực hiện hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) của Liên doanh Câu lạc bộ quốc tế. Đã 20 năm làm việc ở Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính, tôi và các đồng nghiệp rất thạo công việc kiểm tra kế toán, nên khi bắt đầu làm kiểm toán, chúng tôi yêu cầu đưa hết chứng từ, sổ sách và BCTC, sau đó chia nhóm ra đếm chứng từ, xác định lại nội dung từng bút toán Nợ/Có, kiểm tra xem có ghi đúng vào sổ cái, sổ chi tiết không. Chúng tôi thi nhau cộng lại số phát sinh, tính lại từng số dư của từng tài khoản, từng sổ chi tiết, đối chiếu với sổ cái, cộng sổ tính lại từng số liệu trên từng báo cáo tài chính…y như làm lại công việc hàng ngày của kế toán…
Công việc chưa xong đã thấy mệt nhoài vì nhiều chứng từ bằng tiếng Anh, chuyển từ nước ngoài về, dịch không hiểu hết…Thấy chúng tôi mỏi mệt, cô kế toán trưởng người Philippin mới nói rằng: “Không biết các anh làm gì chứ đấy không phải là làm kiểm toán.” Sau hỏi ra mới biết cả 2 cô làm kế toán của Liên doanh Câu lạc bộ đều là CPA của Philippin – là KTV của công ty SGV. Chúng tôi đã nhờ các cô trình bày trong 1 buổi hội thảo nhỏ và mở lớp học dạy chúng tôi làm kiểm toán: Thế nào là chọn mẫu, thế nào là trọng yếu…Thế mới nhớ: Đi làm kiểm toán khách hàng lại được chính khách hàng dạy lại cách làm kiểm toán. Tôi chỉ còn nhớ 2 cô khách hàng đó tên là Len và Lin (tên gọi thân mật).
5.               GIỐNG NHƯ CÁO VÀ CÒ

Các bạn đều biết chuyện ngụ ngôn “Cáo mời Cò đến nhà ăn tiệc, Cáo múc cháo ra đĩa mời Cò ăn. Hôm sau Cò mời Cáo đến nhà, Cò múc cháo đổ vào bình mời Cáo ăn…”Ngày đầu làm kiểm toán tôi đã gặp chuyện đúng như vậy. Một khách hàng nước ngoài mời chúng tôi đến dự Tết dương lịch và ăn buffet. Vào những năm 1991/1992, ăn buffet còn lạ lẫm lắm nên chẳng ai dám đi lại lấy thức ăn, đứng không quen mỏi chân chẳng ăn được bao nhiêu. Đến Tết âm lịch chúng tôi lại mời các bạn nước ngoài đến nhà mình ăn tết bằng cách ngồi ngay trên chiếu rải giữa nhà. Hai cô gái người nước ngoài mặc váy ngắn đều không ngồi được, thấp thỏm đứng lên, quỳ xuống…cũng không ăn được bao nhiêu. Chỉ là sự vô tình nhưng chuyện xảy ra đúng như chuyện ngụ ngôn thời kỳ đầu kinh tế thị trường.

6.               KIỂM TOÁN DỰ ÁN “NGƯỜI HỒI HƯƠNG”

Tháng 3/1992, chúng tôi được Ngân hàng thế giới (NHTG) mời làm kiểm toán cho Dự án do NHTG tài trợ, Dự án “Người hồi hương”. Chả là những người vượt biên không được nước nào cho cư trú, NHTG tài trợ kinh phí bằng cách cấp vốn ban đầu để họ tự kinh doanh sinh sống nếu hồi hương về nước. Họ được cấp tiền mua phương tiện làm ăn như mua xe bò, xe xích lô, mua lợn, trâu, bò chăn nuôi, hoặc hỗ trợ 1 phần tiền mua thuyền, bè đánh bắt hải sản…Những người này chủ yếu sống ở vùng biển hoặc thị trấn nhỏ….Để làm kiểm toán 10 tỉnh ven biển miền Bắc, chúng tôi phải huy động người về hưu từ các ngân hàng, các doanh nghiệp…đến gần 30 người tỏa đi các tỉnh. Xung quanh dự án này thật nhiều kỷ niệm đời KTV.
a.               Một “kiểm toán viên” về kiểm toán tại vùng xứ đạo, ở nhà dân, đêm mất một đôi dép nhựa Tiền phong trắng, sáng sớm đã làm đơn trình báo công an xã…nhưng cũng không tìm được. Công ty đã chi trả ½ giá tiền đôi dép.
b.               Một bạn nữ về kiểm toán ở một xóm nghèo miền núi, nghèo đến mức bạn đánh vỡ một cái đèn dầu thủy tinh mà không có cách nào mua đền cho chủ nhà được, trước khi về đã để lại một bộ quần áo thường mặc cho chủ nhà…để đền chiếc đèn.
c.               Đây là hợp đồng có giá trị khá lớn (22.500 USD), công ty thì nhỏ chưa nhận được sự tin tưởng của khách hàng đến mức NHTG không đồng ý chuyển tiền chi trả trực tiếp vào tài khoản của công ty mà phải chuyển nhờ vào tài khoản của Bộ Tài chính. Đến khi hoàn thành hợp đồng được NHTG chấp nhận báo cáo kiểm toán mới được nhận tiền từ tài khoản của Bộ Tài chính…
7.               TÀI TRỢ KINH PHÍ

Công ty vừa thành lập còn quá nhỏ nhoi. Chúng tôi có bàn với chi nhánh công ty kiểm toán INDOCHINA Ltd cũng vừa được phép thành lập tại Việt Nam để tổ chức một cuộc hội thảo về kiểm toán độc lập (KTĐL). Ngày đầu thành lập, công ty kiểm toán còn chưa biết gì về kiểm toán chứ đừng nói doanh nghiệp. Nhiều Ông/Bà giám đốc bảo:“Nói như ông, chúng tôi vừa bị kiểm tra, phải cung cấp tài liệu, giải thích, trình bày mà lại mất tiền là làm sao?...” Dó đó, việc tuyên truyền, quảng bá, hội thảo, tổ chức lớp học về kiểm toán là cần thiết lắm. Chúng tôi có đề nghị INDOCHINA Ltd hỗ trợ kinh phí tổ chức hội thảo. Bạn đồng ý và yêu cầu chúng tôi lập dự toán. Chúng tôi mời giám đốc chi nhánh của bạn đến để cùng báo cáo với lãnh đạo Bộ về hội thảo. Diễn biến buổi làm việc rất vui vẻ và suôn sẻ. Trước khi kết thúc, ông giám đốc người nước ngoài đặt bó tiền tên bàn họp, đẩy nhẹ lại phía Việt Nam và nói: “Như đã trao đổi, chúng tôi hỗ trợ Bộ 20 triệu đồng tổ chức hội thảo.” - “Chúng tôi không thiếu 20 triệu đồng. Ông làm việc này với công ty Ông M…” Cuộc họp kết thúc nhanh chóng.
Sau đó, chúng tôi nhận được chỉ đạo là không tổ chức hội thảo với INDOCHINA Ltd nữa mà chuyển sang cùng làm với NHTG.
Thế mới biết, không phải cứ tài trợ mà người ta đã nhận đâu.

8.               LỚP HỌC KIỂM TOÁN ĐẦU TIÊN

Trước khi thành lập Công ty kiểm toán Việt Nam (VACO), các công ty kiểm toán quốc tế (Big 6) đã ra, vào Việt Nam. Ngay sau khi VACO được thành lập, lần lượt Big 6 đều gặp gỡ VACO muốn thành lập liên doanh. Thân thiện nhất lúc đầu là Price Waterhouse (PW), hai bên đã gặp và bàn thảo nhiều lần nhưng rút cuộc không thành vì VACO là công ty của Bộ Tài chính…
Vì thân thiện nhất nên tôi đã chủ động đặt vấn đề nhờ PW tổ chức 1 lớp học về KTĐL. Bạn đồng ý và yêu cầu chúng tôi làm bản đề xuất: Mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng lớp học, thời gian, địa điểm giảng…Tôi đã nhanh chóng đưa ra một bản đề xuất theo yêu cầu của bạn. Mọi đề xuất PW đều nhanh chóng chấp thuận – chỉ riêng nội dung giảng thì bạn cười lớn và bảo…
Các bạn  có biết được tôi đã đề xuất PW giảng dạy nội dung gì?
Tôi chuẩn bị 2 trang nội dung dài: kiểm toán là gì, có mấy loại kiểm toán, vì sao phải kiểm toán, KTV là gì, khách hàng kiểm toán là ai; tiêu chuẩn, điều kiện là KTV…Ông Rex Clementson cười bảo: “PW không có người giảng những vấn đề này, tại sao các ông lại yêu cầu giảng những nội dung này…” Tôi phải giải thích mãi PW mới hiểu: “Hãy cứ coi chúng tôi là tờ giấy trắng về kiểm toán, KTĐL…Nếu không dạy chúng tôi và không quảng bá để doanh nghiệp Việt Nam, quan chức, giảng viên, người làm kiểm toán Việt Nam hiểu từ những vấn đề đơn giản đó thì PW cũng không thể hoạt động ở Việt Nam được…” Tôi hỏi lại: “Ở Hồng Kông ai giảng về những nội dung chúng tôi yêu cầu?”(PW từ Hồng Kông vào Việt Nam) – “Ở nước nào cũng vậy, các trường Đại học kinh tế giảng những nội dung các ông yêu cầu”. “Thế PW có thể giảng cho chúng tôi nội dung gì?” “Chúng tôi giảng về chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán, về rủi ro, chọn mẫu…” toàn nói những từ ngữ tiếng Anh mà phiên dịch Việt Nam cũng chưa dùng đến. Phải giải nghĩa loanh quanh…
Cuối cùng chúng tôi cũng thống nhất được nội dung lớp học: VACO giảng 3 ngày đầu với những gì giám đốc VACO biết được từ trước, PW giảng 11 ngày, ôn tập 2 ngày sau đó làm bài kiểm tra/thu hoạch…
Sau 2 tháng PW chuẩn bị, tôi được mời sang Hồng Kông 3 ngày để thông qua tài liệu trước khi mở lớp học. Lần đầu tiên sang một nước “tư bản”, thủ tục thật khó khăn. Người phiên dịch đầu tiên của tôi, anh Đinh Toàn Thắng đã không được đi cùng tôi vì anh đang là nhân viên hợp đồng ngắn hạn. Một cán bộ phiên dịch đối ngoại đã đi cùng tôi. Đã khó khăn lại thêm khó khăn khi anh phiên dịch chỉ quen dịch giao tiếp nay phải dịch từ chuyên môn không chỉ là tiếng Anh mà ngay cả tiếng Việt khi đó cũng chưa dùng mấy: “Rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát, rủi ro kiểm toán, trọng yếu, chọn mẫu…” (tất nhiên, những thuật ngữ này bây giờ đã quá quen thuộc với những người trong nghề như chúng ta). Cùng với 2 bạn người Việt đã sang Hồng Kông mấy năm trước, chúng tôi loay hoay, giải thích vòng vo, qua lại…Từ Việt Nam bay sang Hồng Kông, chúng tôi được đón thẳng đến văn phòng PW, làm việc ngay, trưa ăn suất ăn nhanh tại văn phòng, 12h đêm được đưa về khách sạn 4-5 sao. Phòng ốc sang trọng: có 2 phòng ngủ, 1 phòng tiếp khách và 2 phòng phụ…Tôi không kịp đi hết các phòng, lăn ra ngủ - 7h sáng được báo thức, ăn sáng tại khách sạn xong được đón đến văn phòng làm việc. Cứ thế, đến chiều tối ngày thứ 3 tôi được đưa từ văn phòng ra sân bay. Ở Hồng Kông 3 ngày đêm mà tôi chỉ được biết vài ba tòa nhà đi qua lại trong lúc đi ăn tối…
Hai năm trước đó tôi đã ở Lêningrát (Liên xô cũ), đã choáng ngợp với thành trì cách mạng nhưng khi đến Hồng Kông tôi đã ngây ngất vì sự hoa lệ của các công trình và đường phố, cờ, hoa, đèn trang trí…
Lớp học kiểm toán đầu tiên không chỉ để lại kỷ niệm đầu đời làm nghề kiểm toán với những khái niệm và kiến thức mới mẻ và phức tạp (cho dù bây giờ là quá đỗi đơn giản) mà còn vì một đất nước, một xã hội hoàn toàn khác…

9.               NHẬN PHÍ KIỂM TOÁN

Ngày kết thúc của một trong vài hợp đồng kiểm toán đầu tiên, mức phí cũng khá lớn (7.000 USD). Sau khi ký biên bản thanh lý hợp đồng, ông Tổng giám đốc khách hàng gọi thủ quỹ mang tiền lên phòng làm việc. Ông Tổng giám đốc sau ít lời cảm ơn đã đưa gói tiền trên cho tôi. Tôi cảm ơn và xin lỗi chưa nhận tiền được. Tôi gọi thủ quỹ và một cán bộ công ty đến nhận tiền từ tay ông Tổng giám đốc sau đó xin phép về trước. Ông Tổng giám đốc bắt tay tôi thật chặt và ngạc nhiên hỏi: “Tại sao ông không nhận tiền?” Tôi nói nguyên tắc kế toán của chúng tôi là thủ quỹ là người nhận tiền. Nhưng vì số tiền lớn nên cần có một người đi cùng để bảo đảm an toàn. Ông ta vui hẳn lên và nói rằng: “Đó cũng là nguyên tắc, chuẩn mực kế toán quốc tế. Nhưng đã 2 năm làm việc ở đây, ông là người đầu tiên từ chối nhận tiền đấy.”

10.           CÓ LẼ TÔI LÀ GIÁM ĐỐC ĐẦU TIÊN CỦA CÔNG TY KIỂM TOÁN
…ĐƯỢC MỜI VÀO HỎA LÒ

Trong một ngày làm việc bận rộn vào cuối tháng 3/1993, tôi giật mình khi nhận được tờ giấy mời có mặt lúc 9h sáng hôm sau tại Phòng A…Hỏa Lò Hà Nội (khi đó chưa có công trình Tháp Hà Nội như hiện nay). Mấy cán bộ, nhân viên công ty lo lắng lộ ra mặt. Bạn làm hành chính đứng lặng yên khi trình cặp công văn mới trong đó có tờ giấy mời nói trên. Tôi đọc tờ giấy 2-3 lần và không nói gì. Lật xem lịch làm việc thấy trùng giờ tiếp một khách nước ngoài. Tôi viết mấy dòng vào tờ giấy A4 xong nhờ 1 cán bộ khá đứng tuổi mang đến Phòng A…Hỏa Lò.
Sáng hôm sau tiếp khách hàng 30 phút xong xin lỗi vì có việc gấp cần xử lý. Tôi và anh bạn mang thư hôm trước cùng đến Hỏa Lò. Anh lính gác cổng hơi ngạc nhiên khi chỉ dẫn đường đi cho chúng tôi. Nếu bạn chưa có dịp đến Hòa Lò thì hãy thu xếp đến thăm quan một lần cho biết: Khi đó đường đi nhỏ, hẹp, tường xây 30-50, đèn hơi tối, qua nhiều lần cửa…Vào phòng đầu tiên, tôi được một anh cán bộ mở cửa ra đón, dẫn 2 chúng tôi đi qua một sân nhỏ đến một phòng khác, giới thiệu đến gặp trưởng Phòng A… và chỉ cho mình tôi vào. Tôi gõ cửa 3 lần không thấy có tiếng trả lời, lưỡng lự vài giây, tôi đẩy cửa bước vào. Cảnh tượng trong phòng làm tôi hơi chững lại: căn phòng nhỏ và chật, bày la liệt các tượng gỗ và đồ thờ cúng…một anh bán bộ đang cắm cúi viết, không ngẩng mặt và nói: “Sao đến muộn thế, Tưởng làm giám đốc mà ghê gớm lắm à?...Muốn cho vào tù lúc nào…” Tôi nói xen vào, “Xin lỗi anh, hôm qua tôi đã có người đến xin phép 10h tôi mới đến được…” Thấy tôi vẫn đứng, anh cán bộ đứng ngoài tiến vào kéo ghế mời tôi ngồi: “Tại sao hôm kia không giao tài liệu cho cán bộ của tôi? Tại sao không trả tiền của ông C.R…” Nghe thêm mấy câu nữa thì tôi hiểu ra vấn đề và lý do vì sao tôi được mời vào đây.
Số là thế này: chúng tôi, VACO có hợp danh cùng với ông C.R (C.R & công ty) làm kiểm toán BCTC cho khách sạn Thống Nhất (Metropole Hotel). Ông C.R có thuê một người nước ngoài cùng làm việc đồng thời là người giúp việc. Ông C.R đã bất ngờ chuyển văn phòng và cho bà giúp việc nghỉ việc nhưng chưa trả lương cho bà đã mấy tháng trước. Bà giúp việc đã làm đơn nhờ Phòng A…xử lý, đòi hộ tiền. Ông C.R đã được gọi đến và yêu cầu làm giải trình. Ông C.R nói rằng đã làm việc chung với VACO, theo thỏa thuận khách sạn trả tiền qua tài khoản VACO và VACO chuyển trả tiền cho ông C.R theo % ghi trên hợp đồng. Do VACO chưa trả tiền nên ông chưa có tiền trả cho bà giúp việc. Và anh cán bộ Phòng A…hôm trước đã đến VACO làm việc, yêu cầu cung cấp BCTC, hợp đồng kiểm toán và giải trình về tình hình tài chính, thu chi, yêu cầu xuất trình hồ sơ kiểm toán, báo cáo kiểm toán…Tôi đã trả lời: VACO chỉ có thể cung cấp được một số tài liệu liên quan đến khách hàng khi được chính khách hàng đồng ý. Câu trả lời đó chính là lý do tôi được mời vào Hỏa Lò…
Khi biết rõ lý do, tôi trả lời anh trưởng phòng rằng, hợp đồng chưa kết thúc, khách sạn chưa trả phí thì chúng tôi không thể trả tiền cho ông C.R được. “Vậy khi nào khách sạn trả tiền thi công ty giao tiền cho chúng tôi.” Lại một lần nữa tôi từ chối: “Xin lỗi anh tôi chỉ có thể giao tiền cho ông C.R. Nếu cần các anh đi cùng ông C.R để nhận tiền từ tay ông C.R…” Anh trưởng phòng không vui vẻ và cũng không nói gì thêm.
Mấy hôm sau khách hàng trả tiền cho VACO, tôi thông báo cho ông C.R đến nhận và cũng thông báo lại cho Phòng A…Hỏa Lò. Khi trả tiền cho ông C.R, tôi đã rải 2.000 USD mặt có dãy chữ số và sêri của từng tờ tiền lên máy photo thành 3 bản đính kèm phiếu chi tiền để ông C.R ký nhận. Tôi thấy ông C.R không đếm tiền mà giao ngay số tiền đó cho anh cán bộ đi cùng.
Tôi chẳng lo lắng gì về sự việc xảy ra như các đồng nghiệp trong công ty mà chỉ thấy rằng làm nghề kiểm toán phải vững tin ở mình và mọi sự cẩn trọng đều không bao giờ thừa.
Còn nữa ...

Copyright © dịch vụ kế toán | dich vu ke toan giá rẻ

Sponsored By: Free For DownloadDesigned By: Habib Blog